Khác với nhiều dân tộc khác, phong tục đón Tết của người Dao có nhiều điều độc đáo, mang những nét đặc trưng của dân tộc mình.
Hàng năm cứ đến độ xuân về, hoa đào nở hồng bên sườn đồi, cũng là lúc người Dao Sơn Đầu, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, tạm gác lại mọi công việc sản xuất để chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Khác với nhiều dân tộc khác, phong tục đón Tết của người Dao có nhiều điều độc đáo, mang những nét đặc trưng của dân tộc mình.
Đón Tết theo nếp sống văn hóa mới…
Từ TP Vĩnh Yên ngược lên huyện miền núi Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, băng qua chặng đường chừng 50km sẽ đến địa phận thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô. Thôn Thành Công, một trong những địa bàn cư trú của người Dao Sơn Đầu, nằm ở lưng chừng núi Chín Ngọn, giáp với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Những vị cao niên trong làng cho biết, vào khoảng những năm 1890 dân tộc người Dao đã tập trung về đây sinh sống, họ di cư từ nhiều nơi khác nhau nhưng chủ yếu từ tỉnh Hòa Bình.
Thuở xa xưa, làng Thành Công là vùng núi non hoang vu, hiểm trở, nên rất ít người sinh sống. Khoảng những năm 1890, cụ Dùng Văn Cao, người dân tộc Dao, đã cưỡi trâu đi cùng bố mẹ từ Hòa Bình đến đây sinh cơ lập nghiệp, bản làng của người Dao cũng từ đó mà được hình thành. Đến nay dân làng trong bản tôn cụ Dùng Văn Cao là cụ tổ của làng. Hiện tại bản người Dao ở làng Thành Công có khoảng 146 hộ với 698 nhân khẩu.
Phong tục của đồng bào người Dao có rất nhiều nét độc đáo, trong đó tục ăn Tết mang nhiều nét đặc trưng, thể hiện sự văn minh và tính cố kết cộng đồng rất cao.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Lãng Công cho biết: Trước đây người Dao thường ăn Tết kéo dài 15 ngày, nhưng đến nay thực hiện nếp sống văn hóa mới nên bà con chỉ tập trung ăn Tết từ 3 - 5 ngày, đến mùng 4 - 5 Tết người Dao thường làm mâm cỗ thắp hương cúng, đốt tiền vàng để kết thúc những ngày vui chơi. Bước vào mùa xuân mới, bà con trong thôn bản lại tiếp tục lao động sản xuất tràn đầy niềm tin vào một năm mới gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, mùa màng bội thu.
Một góc làng Thành Công của người Dao Sơn Đầu sinh sống. Ảnh: Sỹ Hào
Những nét độc đáo…
Khác với người Kinh, Tết của người Dao diễn ra sớm hơn. Tùy theo từng năm, người Dao sẽ ăn Tết ngay sau khi ăn Chạp làng. Ngày Chạp làng được thống nhất diễn ra trong phạm vi cả làng, mỗi gia đình đều góp một bát gạo, một con gà (nếu có) hoặc 5 quả trứng, một ít rượu, tập trung tại nhà ông Trưởng làng để nhìn lại những việc trong suốt năm qua, con em của họ làm ăn như thế nào, thuận lợi hay chưa để rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho một năm mới. Sau đó họ quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn từ chính sự đóng góp của họ. Chạp làng thường diễn ra trong một ngày, được chọn từ ngày 14 - 17 tháng 12 (âm lịch).
Theo ông Dương Quỳnh Hương, Trưởng làng Thành Công, sau lễ Chạp làng, người Dao bắt đầu ăn Tết từ ngày 20 - 12 (âm lịch). Kể từ ngày này, tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà mỗi gia đình trong bản cũng sẽ chọn cho nhà mình một ngày đẹp mua sắm đủ lễ vật để mời các thầy đến cúng cho gia đình. Trong ngày cúng tổ tiên hôm đó các con cháu phải tụ họp tại gia đình. Theo phong tục tập quán của người Dao, việc cúng Tết phải được tiến hành bởi 3 thầy cúng.
Trang phục truyền thống của người Dao Sơn Đầu thường mặc trong những dịp lễ Tết. Ảnh: Sỹ Hào
“Việc ăn Tết của đồng bào Dao chúng tôi, bắt đầu từ 20 - 12 âm lịch, nhưng không phải nhà nào cũng nghỉ việc để ăn Tết, chỉ có gia đình nào chọn được ngày đẹp sắm lễ mời thầy cúng đến cúng cho tổ tiên mới chính thức gọi là ăn Tết. Đối với những gia đình khác, sau ngày Chạp làng vẫn chưa chọn được ngày cúng tổ tiên ăn Tết, thì họ vẫn lao động, sản xuất bình thường.” – ông Dương Quỳnh Hương nói.
Mâm cỗ cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc người Dao cũng rất độc đáo bao gồm: thủ lợn, gan lợn, gà để cả con – tất cả đều được luộc chín. Thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Dao đó là bánh dày. Tất cả mọi nhà từ ngày 20 đến ngày 30 khi cúng tổ tiên họ đều dùng bánh dày chứ không phải bánh chưng như người Kinh. Bánh chưng chỉ được đồng bào dân tộc người Dao làm khi ra Tết, khoảng từ ngày 4 tháng Giêng trở đi.
Việc thắp hương cúng tổ tiên cho các gia đình trong bản đến ngày 30 Tết là phải hoàn tất. Sau đó, bắt đầu từ chiều 30 các gia đình trong làng chuẩn bị lễ vật để cúng đêm giao thừa. Những nhà có bàn thờ tổ (những người có chức sắc trong bản, hay những gia đình trưởng tộc, họ lớn) sắp lễ, gồm có: Từ 1 - 5 con gà được làm sạch sẽ, không cắt chân (điều đặc biệt là không luộc chín) xếp lên bàn thờ. Trong khi cúng, chỉ những gia đình có bàn thờ tổ mới được phép mời từ cụ tổ của bản làng về nhà mình ăn Tết. Còn đối với những gia đình thuộc thế hệ sau, hoặc các chi nhỏ hơn, việc sắm lễ cũng tương tự, nhưng trong quá trình thắp hương chỉ được phép mời ông bà tổ tiên nhà mình về ăn Tết.
Đến khoảng 4 – 5g sáng mùng 1 Tết, tất cả các gia đình đều dậy đi “đánh trận” với hàm nghĩa xua đuổi tà ma, những điều không may mắn của năm cũ để đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Dụng cụ người dân mang theo để “đánh trận” gồm có nỏ (trước kia là súng kíp), đuốc, lửa. Hướng đi “đánh trận” tùy thuộc vào từng năm được Trưởng làng thống nhất cùng các chức sắc trong làng, quy định từ trước, sau khi xem xét kỹ ngày giờ để đảm bảo: Hướng đi “đánh trận” theo quy định sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho dân làng.
“Đánh trận” xong, khi quay về nhà người Dao mới tổ chức hái lộc. Một điều cũng độc đáo nữa là lộc của người Dao, bao hàm hai ý nghĩa: Lộc về trí tuệ và lộc về vật chất. Theo đó, lộc được hái về phải là hoa của cây dó, loại cây được dùng làm giấy bản của người dân tộc người Dao, mong muốn các thành viên trong gia đình minh mẫn sáng suốt. Muốn hái được lộc này họ phải lên rừng tìm kiếm, nên cũng có các gia đình đã lấy từ chiều ngày hôm trước cất lên vị trí cao. Ở khía cạnh khác, trong lúc hái lộc người Dao cũng chuẩn bị 3 – 5 viên đá sạch, loại đá rất cứng được nhặt ở suối đem về nhà. “Lộc này” mang hàm nghĩa là vàng bạc đem về nhà, đồng bào Dao mong muốn sự sung túc đầy đủ về vật chất trong năm mới. “Hoa lộc” được cài xung quang bàn thờ. “Đá lộc” được đặt dưới gầm bàn thờ, rồi họ thắp hương báo cáo với tổ tiên. Sau đó xin phép tổ tiên hạ lễ cúng giao thừa để gia đình nấu nướng ăn cỗ Tết.
Chiều mùng 1 Tết, các trung niên, thanh niên tập trung thành đoàn đi chúc Tết các gia đình trong thôn bản. Trước tiên họ phải đến nhà trưởng bản và các nhà chức sắc sau đó mới đến các gia đình khác.
Phong tục mừng tuổi trong dịp Tết của người Dao cũng khá độc đáo. Theo phong tục truyền thống của người Dao, họ không dùng tiền mừng tuổi cho các cháu nhỏ - dù là tiền mệnh giá thấp. Quà mừng tuổi cho trẻ nhỏ là trứng gà luộc bằng loại củi lấy từ cây Tô Mộc, khi luộc quả trứng lên có màu đỏ rất đẹp; cộng thêm những chiếc bút với hàm ý mong muốn trẻ nhỏ vừa có sức khỏe, vừa thông minh sáng dạ học hành tấn tới.
0 nhận xét | Viết lời bình